Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Cao su ‘kiểm soát từng mét vuông đất’

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Cao su Việt Nam phải hướng tới mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD sau cổ phần hoá.

Làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam ngày 18/4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thành tích hay sai phạm hiện nay đều “từ đất mà ra”. Vì thế ông yêu cầu tập đoàn này phải “phải kiểm soát từng mét vuông đất” sau cổ phần hoá.

“Phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, từ chủ trương, chính sách tới thẩm quyền, trách nhiệm từng cá nhân, tình hình tranh chấp đất đai ở các nông, lâm trường, phương án chuyển nhượng đất sau khi cơ cấu lại doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nói.

Tập đoàn này cũng cần đa dạng hoá các sản phẩm từ cao su, nhất là gỗ cao su để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo nguồn thu mới từ xuất khẩu đồ gỗ, bền vững hơn. “Giá dầu thô thế giới tăng nhưng giá mủ cao su không tăng theo thông lệ đã ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp. Tập đoàn cần chuyển hướng sản xuất sang các sản phẩm đồ gỗ để không phụ thuộc vào giá cao su thế giới”, ông Huệ nói thêm và nhấn mạnh, doanh nghiệp phải hướng tới xác định quy mô doanh thu 10 tỷ USD trong tương lai.

Tháng 6/2018 Tập đoàn Cao su Việt Nam hoàn thành cổ phần hoá sau nhiều năm chuẩn bị. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu năm 2018 đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng gần 24% so với kế hoạch. Trong đó, chế biến gỗ cao su góp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho tập đoàn này, kế tiếp là phát triển khu công nghiệp với trên 500 tỷ đồng; sản phẩm công nghiệp cao su góp 100 tỷ lợi nhuận mỗi năm…

Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất không đạt, nguyên nhân do giá bán cao su giảm mạnh so với giá bán kế hoạch (khoảng 3- 4 triệu đồng một tấn), ảnh hưởng tới lợi nhuận trong lĩnh vực chế biến mủ cao su. Thu nhập bình quân của người lao động thấp, đạt 6,5 triệu đồng một tháng.

Để bảo đảm lợi ích phân chia lợi nhuận cho đồng bào góp đất, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Tập đoàn Cao su đề nghị, chuyển các công ty cao su ở khu vực Tây Nam Bộ sang mô hình doanh nghiệp xã hội. Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hiện nay trồng cao su ở Lào đã có lãi, nhưng tại Campuchia vẫn ghi nhận lỗ kế hoạch.

Cũng theo ông Thuận, sau cổ phần hoá doanh nghiệp này đã hoàn thành việc thỏa thuận phương án sử dụng đất, xử lý lao động dôi dư với các địa phương theo quy định pháp luật. Tập đoàn này đã bàn giao hơn 1.300 ha trong số hơn 29.000 ha cần giao lại cho các địa phương sau cổ phần hoá và đang hoàn thành đo đạc, cắm mốc, bàn giao đất về địa phương quản lý.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Tập đoàn Cao su xây dựng Đề án tổng thể cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, quản trị, sắp xếp đất đai sau cổ phần hoá, cũng như tính toán rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch tại Campuchia để sớm có lãi và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

Call Now Button